Biệt thự xây trái phép bị phạt nhẹ và tiếp tục tồn tại

09:23 |

Người dân bức xúc chuyện một ngôi biệt thự bề thế xây trái phép nhưng vẫn hoàn thành rồi bị phạt nhẹ và tiếp tục tồn tại.


Ngôi biệt thự của con gái một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xây dựng bề thế trên 2000 m2 đất nông nghiệp mà chẳng bị chính quyền ngăn chặn, khi bị báo chí phát giác thì chỉ bị xử phạt nhẹ lấy lệ rồi tiếp tục cho tồn tại với lý do hài hước lừa con nít là "không có nhà để ở". Nếu ai cũng viện cớ không có nhà để ở mà xây dựng trái phép thì xã hội này thành ra cái gì nhỉ? Chưa kể người dân thường chỉ cần đổ cát trước cửa nhà là đã thấy chính quyền đến hỏi giấy phép các kiểu, vậy ngôi biệt thự bề thế này sao lại xây dựng thành công?

Câu chuyện đã được lên báo trong bài "Biệt thự trái phép của con gái lãnh đạo Đồng Nai được tồn tại" trên trang VnExpress với nội dung như sau:

Khu đất rộng hơn 2.000 m2 trên đất nông nghiệp của con Phó ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai được phép tồn tại, do gia chủ "không có nhà ở".

Một góc biệt phủ xây trái phép được tỉnh Đồng Nai cho phép tồn tại của gia đình Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
Một góc biệt thự xây trái phép của gia đình ông Đấu. Ảnh: Thái Hà.

Chánh văn phòng UBND huyện Thống Nhất (Đồng Nai) Lê Thị Kim Trinh chiều 9/8 cho biết, huyện đã xử phạt gần 23 triệu đồng về hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp của con gái ông Nguyễn Văn Đấu - Phó trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai - tại xã Xuân Thạnh.

Khu đất nông nghiệp rộng hơn 2.000 m2 được xây nhiều công trình kiên cố: căn nhà lớn chính giữa, hai bên là nhà nghỉ mát bằng gỗ lợp ngói, bao quanh có nhiều đường nội bộ lát gạch, bonsai, cây cảnh... Tất cả được bao bọc bởi bờ tường cao chừng 2 m.

Theo bà Trinh, mảnh đất trên được ông Đấu mua lại của người dân và chuyển nhượng cho vợ chồng con gái. Việc xây dựng công trình do con gái ông thực hiện.

"Khi phát hiện sai phạm, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt kèm theo quyết định hoàn trả lại nguyên trạng miếng đất trên. Tuy nhiên, do con rể ông Đấu có đơn xin giữ lại với lý do không có nhà ở, cam kết sẽ đập bỏ nếu nhà nước thu hồi nên huyện đồng ý cho phép tồn tại", bà Trinh nói và cho biết việc xử lý này đã xem xét nhiều yếu tố, trong đó cả tình và lý.

Giải thích của chính quyền về việc xử nhẹ làm lơ thật khiến người ta phải nổi giận, xây dựng một công trình to lớn như vậy đâu phải ngày một ngày hai là xong, vậy mà cũng để cho hoàn tất được, đến khi bị phát giác thì làm chiếu lệ rồi giải thích như lừa con nít, chả khác gì thời phong kiến o bế nuôi mập dòng họ nhà quan lớn bằng đất đai của cải từ người dân.

Thanh Thái

United Airlines khiến nữ hành khách phải tiểu vào tách tại chỗ ngồi

09:14 |

Hãng hàng không United Airlines lại vừa bị tố vì đã khiến một nữ hành khách phải tiểu vào tách uống trà ngay tại chỗ ngồi khi không cho cô vào toalet.


Theo "nạn nhân" xui xẻo kể lại, dù máy bay đã cất cánh được 30' và cô đã trình bày về việc mình bị chứng tiểu tiện mất kiểm soát nhưng tiếp viên của hãng United Airlines vẫn không cho cô vào toalet vì đèn báo thắt dây an toàn vẫn đang sáng, sau cùng cô phải ngồi tại chỗ tiểu vào một chiếc tách, điều đáng nói sau đó là các tiếp viên đối xử với cô như một tội phạm, xúc phạm cô.

Câu chuyện xảy ra cùng ngày với vụ hãng United Airlines lôi một hành khách người Mỹ gốc Việt khỏi máy bay đã gây ầm ĩ trên truyền thông, có thể biết thêm chi tiết khi đọc bài "Tiếp viên không cho dùng toilet, nữ hành khách tiểu vào tách tại chỗ" trên báo VnExpress với nội dung như sau:

Dù giải thích về chứng tiểu không tự chủ, Nicole Harper vẫn bị tiếp viên United Airlines từ chối yêu cầu dùng toilet. Vụ việc xảy ra cùng ngày David Dao bị kéo khỏi máy bay của hãng này.

Sự cố xảy ra trên chuyến bay từ Houston, Texas tới thành phố Kansas (Misouri, Mỹ), Independent đưa tin ngày 13/5. Nicole Harper muốn đi vệ sinh sau khi máy bay cất cánh khoảng 30 phút, cô bị tiếp viên giữ lại do đèn báo thắt dây an toàn vẫn sáng.

Theo Nicole, các nhân viên đã bắt đầu phục vụ đồ uống, tuy nhiên, do máy bay đang vào vùng nhiễu động, đèn báo thắt dây an toàn bật sáng, theo KCTV.

Chia sẻ trên Facebook cá nhân, cô viết: “Sau khi giải thích mình mắc chứng đi tiểu không tự chủ, tôi cần vào toilet hoặc dùng một chiếc tách. Cô tiếp viên đã đưa cho tôi tách để xử lý”.

Tuy nhiên, khi đèn báo thắt dây an toàn tắt, các tiếp viên đưa Nicole tới toilet và xúc phạm cô trước mặt những hành khách khác.

Nicole khẳng định: “Các tiếp viên đối xử như thể tôi phạm phải một tội ác. Họ nói họ sẽ làm một bản báo cáo, cho người dọn dẹp toàn bộ lối đi và bắt tôi nói chuyện với phi công sau chuyến bay”.

Nicole gọi điện tới bộ phận chăm sóc khách hàng của United Airlines để phàn nàn nhưng không nhân viên nào nhấc máy. Nicole cho rằng, hãng bay này chưa cố gắng để mang lại dịch vụ tốt nhất tới hành khách của mình.

Là một y tá, cô hiểu việc phải tiếp xúc với chất thải con người. Tuy nhiên, điều cô không hiểu ở đây là thái độ của các tiếp viên khi cô nói cô bị bệnh.

Nicole phỏng vấn với KCTV. Ảnh: KCTV5.

Bài đăng của cô thu hút nhiều sự chú ý, nhanh chóng được chia sẻ trên mạng, khiến United Airlines phải lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc.

Đại diện United Airlines cho biết: “Theo báo cáo sơ bộ, nữ tiếp viên Mesa khẳng định Nicole cố gắng vào nhà vệ sinh khi máy bay đang hạ cánh, vì vậy, cô giữ hành khách này ở ghế ngồi”.

Hãng khẳng định luôn đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu. Họ đang cố gắng liên hệ với Nicole và người nhà để giải quyết tình hình.

Vụ việc này xảy ra cùng ngày 9/4 khi một hành khách gốc Việt, David Dao, bị kéo lê khỏi máy bay Mỹ. Sau đó, những hành khách khác gửi hàng loạt các tố cáo liên quan tới dịch vụ của United Airlines và cách ứng xử của tiếp viên hãng này với du khách.

Tháng 4/2017, Jennifer Rafieyan bị một nam hành khách say xỉn ngồi cạnh quấy rối trong chuyến bay của United Airlines từ sân bay bang New Jersey. Cô phàn nàn với tiếp viên nhưng không nhận được bất kì sự giúp đỡ nào. Ngược lại, các tiếp viên vẫn tiếp tục rót rượu cho nam hành khách trên.

Dường như sau vụ David Dao bị kéo lê khỏi máy bay của hãng United Airlines thì hàng loạt vụ bê bối trong cách ứng xử phục vụ hành khách của hãng này bị tố giác, không rõ tất cả chúng đều là sự thật hay không nhưng với nội dung bài báo vừa đăng ở trên thì rất có thể United Airlines đang có vấn đề về phục vụ thật.

Thanh Thái

Kiện thắng hãng hàng không số tiền lớn vì tự đổ trà lên người

09:01 |

Nghe có vẻ vô lý nhưng một hành khách đã kiện thắng hãng hàng không Ryanair được một số tiền khá lớn chỉ vì tự mình đổ trà nóng lên người.


Sau khi bị đổ trà nóng lên người, nữ hành khách Grainne Dunworth đã bị phỏng, phải ngồi suốt thời gian còn lại của chuyến bay trong toalet để nhân viên máy bay chữa trị vết bỏng. Sau đó, Grainne đã kiện hãng hàng không này vì cho rằng do tiếp viên không đậy chặt nắp ly trà khiến cô bị bỏng, dĩ nhiên hãng Ryanair bác bỏ nhưng vụ án khép lại với phần thắng nghiêng về Grainne.

Chi tiết hơn, mọi người có thể xem bài "Tự làm đổ trà nóng vào người, hành khách được bồi thường 10.500 euro" trên báo VnExpress để thấy câu chuyện thù vị thế nào:

Nữ hành khách cho rằng Ryanair phải chịu trách nhiệm do tiếp viên không đóng chặt nắp cốc trà nóng.

Grainne Dunworth, 27 tuổi, bị thương trên chuyến bay từ Prague (Czech) đến Dublin (Ireland), Metro đưa tin ngày 12/5. Cốc trà nóng đổ vào người khiến Grainne bị bỏng phần bụng và đùi phải.

Grainne khẳng định tiếp viên không đậy chặt nắp cốc khiến cô hoảng sợ và làm rơi đồ uống. Nữ hành khách phải ngồi trong toilet trong suốt 90 phút còn lại của chuyến bay, phần vết thương được sơ cứu bằng đá lạnh, kem và urgo.

Nhân viên Ryanair nhận định việc hành khách bị đổ đồ uống lên người là việc thường xuyên xảy ra trên các chuyến bay. Ảnh: Sun.

Sự việc xảy ra hồi tháng 1/2016, hãng Ryanair phủ nhận sự việc và cho rằng Grainne mới là người bất cẩn.

Tiếp viên Irene Haygir nói nữ hành khách trên có thể làm đổ trà khi rót thêm sữa. Irene không phục vụ Grainne lúc đó, cô quan sát thấy một gói sữa đã được xé, đặt trên khay đựng đồ uống và có sữa trong phần trà còn sót lại ở cốc.

Thẩm phán đứng về phía Grainne và quyết định nạn nhân được bồi thường 10.500 euro cho những tổn thương về thể chất và tinh thần. Hãng Ryanair cũng phải chi trả cho lệ phí tòa án của Grainne.

Năm 2015, Ronald Furlong nhận bồi thường hơn 33.000 euro từ hãng Ryanair, sau khi một tiếp viên làm đổ nước sôi vào háng ông, lúc đang chuyển đồ uống cho một hành khách khác.

Trong những vụ mập mờ không rõ ràng thế này thì dường như bên thắng kiện luôn là hành khách, nhưng đấy không phải tại Việt Nam, nếu ở nước ta có lẽ mọi chuyện sẽ ngược lại. Dù sao, câu chuyện thật tức cười, nếu đúng như lời cô tiếp viên Irene nói thì nữ hành khách này thật bậy hết chỗ nói.

Thanh Thái

Nghề nài thuốc lá lậu ở Long An giáp Campuchia

08:17 |

Có lẽ nhiều người còn chưa biết nghề nài thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam rất nóng tại Long An, sự thật bên trong thế nào ở cuộc sống các tay nài?


Thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc báo xem tin biết về những vụ vận chuyển thuốc lá lậu tại miền Nam, cụ thể là từ Campuchia về, các tay nài lái xe với tốc độ rất cao, lạng lách chuyên nghiệp khi đang chở cồng kềnh những thùng thuốc lá lậu, trông rất nguy hiểm. Tuy vậy, các chuyến nài vẫn trót lọt và nghề này sống được qua nhiều năm, vì sao?

Mọi người sẽ biết rõ hơn về cuộc đời của những tay nài thuốc lá lậu qua bài "Mánh khóe kiếm 2-3 chỉ vàng mỗi ngày của nài thuốc lá lậu" trên báo VnExpress với nội dung như sau:

Ngoài khả năng chạy xe tốc độ cả trăm km/h, các tay nài thuốc lá lậu vùng biên giới Đức Huệ (Long An) còn khét tiếng với sự tinh quái, nhiều lần qua mặt lực lượng chức năng.

Nhắc tới Hai Thực (Võ Trung Thực, biệt danh Hai Nhớt) ở xã Mỹ Quý Đông, giới nài thuốc lá lậu ở Đức Huệ, Đức Hòa đều phải kính nể vì thâm niên hơn chục năm trong nghề và sự tinh quái, ma mãnh nhiều lần chuyển hàng lậu qua biên giới trót lọt, qua mặt các trinh sát dày dặn kinh nghiệm.

Nài thuốc lá lậu chạy từng đoàn tại huyện Đức Hòa. Ảnh: Hoàng Nam.

Ông Thực kể, vài chục năm trước đây khu vực biên giới Đức Huệ đất rộng người thưa, ruộng phèn chát, một ha lúa năng suất chỉ 1-2 tấn. Người dân vùng này không có nghề gì khác để làm nên rủ nhau qua biên giới Campuchia chở thuốc lá lậu kiếm lời.

"Nhà nhà đều chở thuốc, cứ tầm 5h chiều họ đi thành từng nhóm 7-10 người, có cả người lớn lẫn con nít 14-15 tuổi. Tui lúc đó tui đã hơn 30 tuổi, một nách hai con nhỏ, không ruộng đất cuộc sống vất vả nên cũng theo họ kiếm tiền", ông Thực nhớ lại.

Ban đầu, ông chỉ vác thuốc lá lậu qua những đoạn đường ngắn đến trạm trung chuyển. Sau đó, có chút vốn liếng, ông mới đầu tư "xe bè", vỏ lãi (ghe thông dụng ở miền Tây) để chở thuốc với số lượng lớn hơn. Xe bè mua giá rẻ bèo, chỉ khoảng một triệu đồng từ các lò xe gian sau đó được xoáy nòng để có thể chạy với tốc độ cả 100km/h. Đường sông nài trang bị máy xăng, vỏ lãi bọc nhôm bên ngoài để lướt sóng chạy nhanh với giá hơn 10 triệu đồng một chiếc.

Ông Thực bảo, dân chở thuốc chuyên nghiệp không phân biệt già hay trẻ, chỉ cần lì đòn là sống bằng nghề này được. "Hồi mới vô nghề, phần vì chạy nhanh không quen, phần vì sợ công an bắt, có khi một ngày tui té 3-4 bận, dập mũi, gãy răng là chuyện thường", ông kể.

Nghề nài thuốc nguy hiểm, vất vả, nhưng rất dễ kiếm tiền. Các nài cho biết, thuốc lá lậu từ Campuchia đến TP HCM sẽ được chia làm nhiều tuyến đường khác nhau, mỗi nhóm sẽ phụ trách một tuyến, mỗi tuyến khoảng 5-8 km.

Một chuyến hàng, đường bộ các nài chở khoảng 3-5 đai (mỗi đai 60 cây thuốc, tương đương 600 bao thuốc) với tiền thù lao 150.000-200.000 đồng, đường sông một xuồng máy chở khoảng 14 đai cứ thế nhân lên số tiền. Mỗi ngày, nếu đi khoảng 5-7 chuyến, nài cầm chắc bỏ túi vài trăm nghìn đến một triệu đồng.

Ông Thực, một trong những nài thuốc lá lậu nổi tiếng một thời ở Đức Huệ. Ảnh: Hoàng Nam.

"Khi đó vàng khoảng mấy trăm nghìn một chỉ, nài thuốc một ngày chịu khó và may mắn kiếm 2-3 chỉ vàng là bình thường", ông Thực nói và cho biết, lý do trước đây ông gắn bó được với nghề buôn lậu hơn chục năm là nhờ mánh lới riêng.

Có những thời điểm khó khăn khi công an ra quân gắt gao, hàng khan hiếm, ông nghĩ ra cách cho thuốc lá lậu vào bao nylon bịt kín rồi bỏ xuống sông, lấy lục bình phủ lên. Đến đêm, ông thả bè thuốc lá trôi theo con nước qua trạm kiểm soát.

Lần khác, khi bị công an cắm chốt ở các tuyến đường chính, nhóm của nài Thực xé lẻ thuốc lá lậu bằng xuồng vào các nhánh sông nhỏ, mang theo cuốc, xẻng, bánh xe. Gặp lộ nhỏ họ khiêng xuồng qua, lộ lớn hơn họ bỏ xuồng lên lên bánh xe rồi đẩy qua khiến lực lượng chức năng không trở tay kịp.

Họ hàng với ông Thực, ông Trần Văn Bàng (45 tuổi) cũng từng là nài thuốc có "máu mặt" ở vùng biên giới Đức Huệ dù chỉ hơn 3 năm trong nghề. Điều đặc biệt là ông Bàng từng 2 năm làm công an viên xã Mỹ Quý Đông, chuyên đi bắt nài chở thuốc lá lậu.

"Lúc đó gia cảnh khó khăn, đồng lương nhà nước quá ít ỏi không đủ nuôi vợ con, tôi bắt thuốc lá lậu thường nên thấy họ làm ăn có lời quá, không giữ được mình. Chở thuốc lá được hơn một năm, thấy làm ăn khắm khá tôi về rủ luôn anh trai đang là công an huyện bỏ việc đi buôn lậu với mình luôn", ông chia sẻ.

Nài Bàng bảo dân buôn lậu thuốc lá ngoài lì đòn cũng cần phải mánh lới, tùy cơ ứng biến. Trước đây, khi điện thoại chưa phổ biến, dân nài thường cắt cử người canh lực lượng chức năng rồi dùng ám hiệu để cảnh giới. Ban đêm, nếu có công an thì đốt đống lửa bên đường, ban ngày cắm cây nêu gắn miếng vải màu trắng để người trong nghề biết mà đề phòng.

"Luật chung của dân buôn lậu là khi đụng độ công an thì ném hàng bỏ chạy để khỏi bị bắt. Lỡ bị bắt rồi, nài chỉ được khai chở hàng cho ông chủ ở Campuchia, không được chỉ điểm những người đi chung", ông Bàng cho biết.

Một thanh niên canh đường bám theo xe phóng viên gần 10km. Ảnh: Hoàng Nam.

Thiếu tá Lê Trọng Tình - Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) -  cho biết, nài thuốc sử dụng rất nhiều chiêu trò như chở thuốc lá bằng ôtô hay bỏ thuốc lá trong bao cỏ, trong cốp xe máy... để qua mặt lực lượng chức năng.

"Họ luôn có lực lượng canh đường bám theo chúng tôi và sử dụng ná bắn đá vào các khu vực bụi rặm để kiểm tra có mai phục không. Có hôm anh em trinh sát bị bắn trúng người đau điếng nhưng vẫn nằm im để không bị lộ. Để bắt được những chuyến hàng lớn, có khi chúng tôi phải cải trang, mang theo cơm nước rồi trầm mình cả ngày đêm dưới sông", thiếu tá Tình nói.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu Long An, tại tuyến biên giới hiện có 15 đường dây, nhóm buôn lậu thuốc lá với khoảng 300 nài thuốc chuyên nghiệp đang hoạt động.

Dường như việc chống buôn lậu thuốc lá từ Campuchia về Việt Nam không thể ngăn chặn triệt để khi thấy suốt mấy năm qua thuốc lá vẫn buôn lậu ầm ĩ được trót lọt, xem ra một phần do đời sống người dân không được đảm bảo nên phải theo nghề trái pháp luật thế này, còn phía chính quyền cũng chẳng thể hiện được năng lực cần có.

Thanh Thái

Nên chọn kinh nghiệm du lịch Đà Lạt nào để tham khảo?

16:02 |

Hiện nay chúng ta nên chọn những kinh nghiệm du lịch Đà Lạt dạng nào để tham khảo khi cần chuẩn bị đến thành phố mộng mơ?


Vì sao lại hỏi như thế? Rất đơn giản, bởi kho kiến thức viết về chủ đề du lịch Đà Lạt này hiện đang rất lớn và ngày một lớn hơn nữa, phần thì na ná nhau, phần lại đối nghịch nhau về các gợi ý và chỉ dẫn, nguồn cấp từ khắp nơi như các đơn vị lữ hành lẫn những phượt thủ đang dần xuất hiện ngày một nhiều. Những kinh nghiệm du lịch Đà Lạt ấy vẫn có tính hữu ích cho ai chưa một lần tới thành phố mộng mơ, có điều chọn cái nào để theo dõi, để học hỏi, để trang bị thì lại rất khó đề xuất.

Hình ảnh các món ăn nên nếm thử khi đến Đà Lạt du lịch
Ẩm thực là một phần không thể thiếu trong kho kinh nghiệm du lịch Đà Lạt đang được chia sẻ. Ảnh: internet.

Nhìn chung tình hình của sự chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Lạt lúc này có thể chia làm hai dạng chính dựa theo nguồn cấp, đó là từ các đơn vị lữ hành và bởi những phượt thủ thích đi du lịch tự do, ngoài ra nội dung y chang nhau do sao chép cũng có không ít.

Tính phù hợp của kinh nghiệm du lịch Đà Lạt


Để trả lời cho câu hỏi lớn của bài viết này thì cần quan tâm đến tính phù hợp của dữ liệu đối với người tìm kiếm trước tiên, cụ thể là người chuẩn bị đi du lịch Đà Lạt ấy đang cần thông tin kiểu ngắn gọn xúc tích do thời gian dành cho chuyến đi bị giới hạn hay muốn xem nội dung nào đấy viết về mọi thứ có thể đem lại niềm vui cũng như sự hứng khởi tối đa cho chuyến hành trình? Thực tế ở đây có một điều phủ phàng rằng hầu hết mọi người đều bị giới hạn về thời gian nên dạng kiến thức nào được chọn có lẽ dễ đoán ra rồi, nhưng khi có điều kiện thì nên ưu tiên chọn kinh nghiệm du lịch Đà Lạt bởi sự thú vị vì bản chất của chuyến đi là nhắm đến niềm vui và hạnh phúc, hơn nữa với lối sống tất bật của xã hội hiện nay thì một lần đi là một lần khó thì phải làm một chuyến du lịch Đà Lạt cho đáng.

Dù vậy thì chẳng phải lúc nào cũng làm được những gì mình muốn, nên có gắng chọn lựa những kinh nghiệm du lịch Đà Lạt phù hợp nhất với tiêu chí rằng khi theo những gợi ý chỉ dẫn đó sẽ đạt được tối đa độ thú vị cho chuyến đi trong khoảng thời gian mà bạn có nhé!

Những phân vân khác trong kho kinh nghiệm du lịch Đà Lạt


Trong các bài viết chia sẻ về sự từng trải của các tác giả trong những chuyến du lịch Đà Lạt khác nhau mà độ thú vị được cho là rất cao thì cũng tồn tại những cái khó cho người đọc trong việc lựa chọn những chỉ dẫn cụ thể. Ở thành phố mộng mơ có rất nhiều cảnh đẹp đáng để đến tham quan, nơi ăn chốn ở cũng nhiều không kém, thế nên chúng ta sẽ bắt gặp những chỉ dẫn hay khuyến cáo đôi khi khác nhau hoặc thậm chí là trái nghịch, dù sao thì các kinh nghiệm du lịch Đà Lạt cũng mang tính chủ quan bên trong nên chuyện người này khen kẻ kia chê cũng dễ hiểu. Việc chọn lựa trong kinh nghiệm du lịch Đà Lạt hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm cũng như quyết định sau cùng của người đọc, lời khuyên là không nên tin hẳn vào một gợi ý nào đó, nói cách khác thì đừng quá hồ hỡi hy vọng vào những gì mình đọc, biết rồi giữ lấy trong đầu, khi đến du lịch Đà Lạt hãy thử đến và kiểm chứng, hay vui thì cảm nhận, xấu dở thì bỏ qua.

Hình ảnh ga xe lửa Đà Lạt với các khách du lịch bụi
Ngoài cách địa danh nổi tiếng từ lâu thì ở Đà Lạt có những nơi cũng rất đẹp, mang lại sự thú vị tuyệt vời ít ai biết đến. Ảnh: internet

Còn một cách khác, trong các điều nổi bật nhất ở Đà Lạt, cái nào có sự gợi ý nhiều nhất, đề xuất cao nhất thì hãy xếp chúng vào danh sách ưu tiên để trải nghiệm. Bên cạnh đó, thời điểm tốt nhất trong năm để du lịch Đà Lạt cũng là chủ đề hay nhưng hiếm ai nói đến, chung quy cũng là vì phần lớn khách du lịch bị giới hạn về quỹ thời gian.

Tóm lại, dù bị hạn chế ở những mặt nào đó như là thời gian, khoảng cách địa lý,..thì hãy ưu tiên chọn các kinh nghiệm du lịch Đà Lạt mang tính thú vị cao nhất để tham khảo, chúng thường được chia sẻ lại bởi các phượt thủ và cũng thuộc dạng đầy đủ nhất, bên cạnh đó vẫn có các bài viết dưới dạng cô đọng, ngắn gọn chỉ ưu tiên liệt kê những điều tuyệt nhất ở Đà Lạt, sẽ rất hợp với các chuyến du lịch ngắn ngày.

Thanh Thái

Khách Tây chán du lịch Việt Nam vì thành thị ngủ sớm

15:21 |

Hầu hết các khách Tây đến du lịch Việt Việt đều cảm thấy chán khi ở các thành thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, lý do đơn giản là chẳng có chỗ để chơi khuya.


Thói quen vui chơi khi đêm xuống của người dân phương Tây thường bắt đầu vào 22h đến 23h hàng ngày kéo dài đến gần sáng ngày hôm sau, nhưng ở Việt Nam đây là khoảng thời gian dân mình chuẩn bị...đi ngủ, thế nên các vị khách du lịch này muốn kiếm chỗ để tiêu tiền trong tầm giấc ấy cũng chẳng có ai mở cửa phục vụ.

Báo VnExpress đã làm một bài phóng sự về thực trạng này và đăng tải bài Du khách Tây: 'Tôi uống bia rồi ngủ sớm, chẳng có gì chơi' nói về chuyện chẳng mấy vui vẻ này như sau:

Thời gian qua, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam giảm dần so với các nước láng giềng trong Đông Nam Á. Ngoài vấn đề tình trạng môi trường ô nhiễm, chặt chém giá, còn có một nguyên nhân được các chuyên gia ngành du lịch nêu ra: khách Tây không biết chơi gì ở Việt Nam, đặc biệt là vào ban đêm. 

Nay uống bia, mai lại uống bia

Joseph, 24 tuổi, đến từ London, Anh du lịch Việt Nam được một tuần, nhưng đến ngày thứ ba anh đã không biết phải làm gì về đêm. Anh đi dọc khu Bùi Viện (quận 1, Sài Gòn) và uống vài chai bia trên những chiếc ghế nhựa hoặc tấm bạt trải trên vỉa hè.

"Lúc đầu tôi cảm thấy khá thú vị vì còn mới mẻ. Ngày thứ hai tôi cũng quay trở lại đây và tiếp tục gọi một chai bia. Nhưng đến ngày thứ ba thì tôi bắt đầu chán vì chẳng có gì khác để làm", anh nói. 

Hình ảnh khách du lịch Việt Nam ở Sài Gòn
Khi được hỏi thấy ban đêm ở Việt Nam thế nào, Giacomo không ngần ngại: "Tôii thấy chán, đi ngủ sớm". Ảnh: Thảo Nghi

Giacomo Scarlatti, người Italy đến Việt Nam cũng gần một tháng và rơi vào tình cảnh tương tự: "Tôi thấy chán quá, ở đây không có nhiều nơi để chơi, cả bar hay club (câu lạc bộ) cũng thiếu. Tôi toàn phải đi chung với những người giống mình, uống vài ly bia ở phố Tây hoặc vào nhà hàng đắt tiền dùng bữa. Thậm chí tôi còn đi ngủ sớm cho hết ngày".

Chia sẻ với VnExpress, John, du khách đến từ Manchester, Anh đang du lịch ở Hà Nội cho biết ở Anh hay các nước châu Âu, mọi người có thể đi chơi thêm sau 12h đêm nhưng tại Hà Nội, hầu như các hàng quán đều đóng cửa.

Thậm chí nếu có một quán bar hay club nào đó mở cửa, thì cũng chỉ chơi được một chút là nhận được thông báo hết phục vụ. "Tôi đến Hà Nội chơi và thấy nhiều quán gọi là câu lạc bộ đêm, tôi cũng vào thử nhưng thật sự không giống vì đóng cửa sớm. Người phương Tây thường ra đường chơi đêm vào khoảng 22h-23h trở đi, nên với chúng tôi việc tìm chỗ vui chơi khuya ở Hà Nội thật quá khó", du khách Andrew đến từ Moscow, Nga, bộc bạch. 

Hình ảnh phố Tạ Hiện ở Hà Nội với khách du lịch phương Tây
Phố Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (Sài Gòn) là những nơi tập trung đông đúc khách nước ngoài, nhưng các hàng quán ở đây cũng đóng cửa sớm, khác với thói quen sinh hoạt, vui chơi thâu đêm của nước ngoài. Ảnh: Thảo Nghi

Yêu Việt Nam, nhưng thích Thái Lan hơn

Perry, 30 tuổi là một du khách Mỹ, đến Việt Nam chơi khoảng 3 ngày. Ngày đầu mưa rả rích khiến anh không đi đâu được. Ngày thứ hai anh cũng lặp lại vòng tròn "ăn món đường phố - uống bia - đi về sớm" của hầu hết những vị khách đến Việt Nam.

"Nói thật thì tôi yêu Việt Nam, nhưng điểm đến ưa thích là Thái Lan. Tôi đã có thời gian rất vui vẻ ở đó và sẽ quay lại thêm vài lần nữa", anh cho biết. 

Không có chỗ chơi hay nơi để tiêu tiền từ rất lâu đã là thực trạng chưa được giải quyết ở Việt Nam. Khách nước ngoài đến đây hầu hết chỉ biết vào các quán bar, club hoặc khám phá ẩm thực. Tuy nhiên, một hoặc hai ngày lặp lại có thể gây chán nản đối với nhiều du khách, nhất là với những người ở lại Việt Nam 10 ngày đến gần một tháng.

"Tôi ở Việt Nam khá lâu, rất yêu đất nước và con người nơi này nhưng thỉnh thoảng cũng cảm thấy chán. Vì khi tôi hỏi người Việt Nam nên đi đâu thì họ cũng chỉ xoay quanh ăn uống. Tôi ăn nhiều đến mức muốn 'lăn' rồi", Emilio Fuse, đến từ Argentina hài hước. 

Còn Leander và bạn gái, hai du khách Đức, trước khi tới Hà Nội đã có một số ngày ở Bangkok, Thái Lan. Đối với họ, Bangkok mới thực sự là một thành phố dành cho dân du lịch, luôn luôn sôi động và bạn có thể thấy mọi thứ mình cần không riêng gì các hoạt động về đêm.

Quả thực ở nước ta các dịch vụ du lịch còn thua xa so với người bạn láng giềng Thái Lan, chưa bàn đến quan điểm đúng sai trong việc tổ chức các loại hình phục vụ cho du khách nước ngoài, nhưng rõ là tiềm năng du lịch đang được khai thác rất kém, biểu hiện cho điều này là khách du lịch tới Việt Nam liên tục giảm ngay cả là chính người dân nước ta.

Thanh Thái

Ông cụ làm phượt thủ du lịch thế giới khi tuổi xế chiều

15:06 |

Giới du lịch gần đây rất xôn xao về một ông cụ 76 tuổi mới bắt đầu làm phượt thủ đã chu du gần 40 quốc gia trên thế giới.


Nếu bảo là gây sốc cũng không có gì sai, bởi đi du lịch phượt đòi hỏi sức khỏe tốt để việc trải nghiệm được suôn sẻ, chẳng còn gì là thú vị khi dọc đường đổ bệnh, nhưng cụ Hyo So người Hàn Quốc lại bắt đầu làm phượt thủ khi bước sang tuổi 76, thực hiện chuyến đi một mình với cách trải nghiệm rất riêng.

Câu chuyện của ông Hyo đã gây chú ý cho rất nhiều người, tạp chí du lịch cũng không ngoại lệ, trên báo VnExpress cũng đã có bài Phượt thủ 76 tuổi một mình chu du 40 quốc gia dịch lại từ SCMP viết về ông như sau:

Ông Hyo So là người Mỹ gốc Hàn, 76 tuổi. Hành trình của ông bắt đầu với một câu nói trên truyền hình rằng khi gần đến cuối cuộc đời người ta thường nuối tiếc những điều chưa thực hiện được.

Một vài tháng sau đó, Hyo So đặt phòng nhà trọ ở Cairo và bắt đầu những hành trình khó tin ở độ tuổi của ông.

Phượt thủ 76 tuổi với niềm đam mê khám phá bất tận.

‘Máu’ phiêu lưu từ khi còn nhỏ

Từ năm 14 tuổi ông rời quê nhà Gwangyang, Hàn Quốc lên một chiếc thuyền và lênh đênh hết nơi này sang nơi khác, làm đủ mọi loại công việc kỳ lạ trong suốt 4 tháng rời quê nhà. “Tôi khao khát thế giới bên ngoài”, ông nhớ lại.

Nhưng sau khi nhập cư vào Mỹ năm 1970 cùng vợ và 3 con, việc du lịch xuyên quốc gia trở thành thứ xa xỉ. Ông ở lại Los Angeles, nơi số lượng dân nhập cư ngày càng đông, tiền thân của Koreatown ngày nay. Ông lau sàn trong nhà hàng, đổ gạt tàn ở văn phòng, sửa xe, làm đủ mọi nghề.

Đến năm 1990, Hyo So mới tìm được một công việc ổn định tại văn phòng luật sư Los Angeles. Trong thời gian đó, ông tới các công viên quốc gia, leo lên các ngọn núi California, tới đỉnh Whitney ba lần và lần cuối cùng là năm ông 60 tuổi. Trong chuyến leo núi cuối cùng đó, ông bắt đầu cảm thấy sức khỏe đã hạn chế hơn trước rất nhiều. “Đầu gối chẳng còn nghe lời bạn nữa”, ông nói.

Hyo So trong buổi đi dạo hàng ngày ở Los Angeles.

Những người bạn đồng di cư với ông đã lần lượt nghỉ hưu cả vài thập kỷ trước sau khi làm việc chăm chỉ. Nhiều người chơi golf, tụ tập nhau cùng lên sân giải trí hay đi nghỉ trên các du thuyền tới miền nhiệt đới.

Còn Hyo So, ông không muốn phần đời còn lại sống trong nuối tiếc vì những việc chưa làm. Ông đặt vé tới Ai Cập và lên kế hoạch khám phá đất nước này trong một tháng.

Phiêu lưu ở tuổi xế chiều

Hyo So đã đặt chân tới 40 quốc gia, băng qua sa mạc Gobi, trò chuyện với đồng bào dân tộc của bộ lạc Maasai ở Kenya, là một phượt thủ quyến rũ ở Kingston khi hát vang bài ca tạm biệt Jamaica. Ông từng bị nhầm tưởng là người ăn xin khi ở miền trung nước Mỹ trong lúc đang cầm một cốc cà phê cạn, thức suốt đêm trong phòng nghỉ tập thể với hơn 12 giường cùng phòng và lây bệnh tiêu chảy từ bạn du lịch.

“Cuộc sống là những trải nghiệm – không chỉ toàn việc tốt, tích cực”, ông nói. “Vậy mới là sống”.

Giờ thì ông đã quá thuần thục, chỉ với một chiếc mũ bóng chày màu trắng đã sờn vải để tránh nắng, một chiếc áo khoác câu cá với nhiều túi đựng, đôi giày thể thao đã mòn, ông đi tới khắp mọi miền đất lạ. Bốn chiếc áo và 3 chiếc quần dài, quá sơ sài để chẳng tên cướp nào muốn ngó ngàng tới nhưng lịch sự đủ để ông trò chuyện với những khách du lịch khác hay dân địa phương.

Từ nỗi trăn trở về sự hối tiếc cuối đời, Hyo So không ngần ngại tới Ai Cập bắt đầu hành trình phiêu lưu vẫn khát khao bấy lâu.

Khi bắt đầu những hành trình phiêu lưu của mình, Hyo So 60 tuổi. Ông đi thử nghiệm và gặp không ít khó khăn. Buổi sáng đầu tiên ở Cairo đã là chuyện của 15 năm về trước. Một người đàn ông nói với So ông không thể vào bảo tàng Ai Cập bởi đã quá giờ tham quan, bảo tàng chỉ đón khách trước 9 giờ sáng. Người lạ đưa ông đi tham quan nhiều nơi khác và ông nhận ra anh ta có móc nối với những nơi đã đưa ông đến khi sáng hôm sau chủ khách sạn nói với ông việc bảo tàng chỉ đón khách trước 9 giờ là trò bịp bợm. Hơn thế nữa, khách du lịch đến đây ngày một giảm bởi đã có nhiều trường hợp bắt cóc và giết người xảy ra trên sa mạc.

Cảm thấy không an toàn, So bay về Los Angeles sau hai đêm ở Ai Cập. Vợ ông đã rất bất ngờ khi thấy chồng mình về sớm hơn dự định. Trải nghiệm thót tim đó càng làm ông thấy hăng hái hơn, khao khát thế giới hơn. So tiếp tục lên kế hoạch đi Thổ Nhĩ Kỳ, lấy cảm hứng từ một bài hát Hàn Quốc về Istanbul. Lần này, ông chuẩn bị kế hoạch cho một tháng. Sau đó ông tới Hy Lạp, Ấn Độ. Trong chuyến đi tới Ấn Độ, ông bị ốm suốt nửa hành trình nhưng không đủ cản bước chân So tới Nepal ngay sau đó. Việc chuẩn bị cho mỗi chuyến đi với khoản ngân sách ít ỏi trở thành một thú vui của ông.

Cái nhìn từ những người xung quanh

Một vài phượt thủ trẻ, tầm trên 30 tuổi tỏ ra rất kinh ngạc với đôi kính lão, bộ râu trắng của bạn đồng hành. Những cô gái thì phỏng đoán trước đây ông chắc chắn phải là một chàng trai rất thu hút mỗi lần ông chơi guitar ở các nhà trọ. Khi So than phiền về mùi sơn mới ở một nhà trọ London cùng yêu cầu đổi phòng, nhân viên đã nói với ông nhà trọ này dành cho thanh niên và nói ông quay lại giường của mình.

Các đồng nghiệp rất ngạc nhiên và 3 người con cũng rất lo lắng cho ông, họ thường cố ngăn ông khỏi những chuyến đ tiếp theo. Người duy nhất luôn thấu hiểu So là vợ ông, người đã sống cùng ông nửa thế kỷ và chưa bao giờ ngăn cản ông làm điều gì.

Từng có lần bà thuyết phục ông tham gia tour du lịch ở Tây Âu. Ông ghét việc đi tour như vậy bởi việc này khiến ông thấy mình như những học sinh tiểu học luôn cần có người giám sát, hướng dẫn.

“Khi ông ấy muốn đến, ông ấy đến, khi ông ấy muốn đi, ông sẽ đi”, vợ Hyo So chia sẻ. “Tôi không phải lo lắng một chút nào hết”.

Tài sản sau những chuyến đi

Khi những khách du lịch hiện nay dành thời gian vào việc chụp ảnh, viết blog du lịch và thường phô trương nhiều hơn những thứ họ thực sự trải nghiệm, So thì khác.

Ông không chụp ảnh, thay vào đó là những ký ức khó quên như hình ảnh một thiên thần ở lăng Havana đã khiến ông suy ngẫm về sự ra đi của mình sau này. Những bức hình duy nhất của ông là cùng những người bạn gặp trên đường. Những gì ông nhìn thấy, cảm thấy, thưởng thức và học hỏi được trong các chuyến đi được ông ghi lại trên từng trang giấy, hay những bản nhạc guitar mà ông sáng tác. Xuất hiện trong đó là những suy nghĩ về quyền năng, quyền kiểm soát thiên nhiên của con người khi ông chiêm ngưỡng các tác phẩm bonsai ở Đông Nam Á, những hiểu biết về nghi lễ hôn nhân bộ lạc Maasai, suy tư về tôn giáo khi nghe cầu nguyện lúc 5 giờ sáng của người theo đạo Hồi ở Tanzania.

Sau tất cả, So vẫn luôn ghi nhớ nhất là những con người ông đã gặp trên đường đi.

Người phụ nữ lớn tuổi ngồi cạnh ông trên một chiếc xe buýt ở Nairobi đã giúp ông thắt nút cẩn thận túi đồ tạp hóa, ra hiệu ông cần để mắt đến túi đồ. Các nhân viên bán hàng tạp hóa, người nhất quyết không để ông mua chai rượu thứ hai vì thấy ông đã run lên. Người bán hàng tại một quầy đồ ăn Việt Nam đã mời ông cơm.

So cảm nhận được sự cảm thông, lòng nhân hậu và quan hệ thân thiết trong suốt các chuyến đi. “Bạn sẽ không thể cảm thấy nếu bạn không ở đó”, ông nói.

Quả là không bao giờ trễ để làm một điều gì đó, đôi khi điều kiện để thực hiện ước mơ chỉ xuất hiện khi tuổi đã xế chiều, chỉ có tâm trí mới là rào cản lớn nhất, tận đáy lòng tôi khâm phục cụ Kyo, hành trình phượt thủ của ông đáng để người khác phải vị nể.

Thanh Thái